Khen sao cho đúng ?

KHEN NGỢI CÁC PHẨM CHẤT CÁ NHÂN THAY VÌ KHEN NGỢI SỰ NỖ LỰC CỦA TRẺ CÓ THỂ KHIẾN TRẺ THẤY XẤU HỔ HƠN KHI GẶP THẤT BẠI

Lời khen ngợi đôi khi phản tác dụng. Theo một nghiên cứu được đăng trên Journal of Experimental Psychology: General của Eddie Brummelman, Đại học Utrecht, Hà Lan: người lớn đôi khi mắc những lỗi như thế khi cố gắng giúp một đứa trẻ có ít lòng tự tôn cảm thấy khá hơn về bản thân.

Nghiên cứu chỉ ra rằng khi một đứa trẻ có lòng tự tôn thấp nhận được lời khen ngợi về các phẩm chất cá nhân của mình, thì khi gặp phải thất bại, lời khen này sẽ gây ra cảm giác xấu hổ nặng nề hơn bởi những  trẻ này luôn có cảm nhận thấp về giá trị bản thân.

                                     

Cũng theo kết quả nghiên cứu, người lớn có xu hướng khen ngợi cá nhân (“Con là họa sĩ tuyệt vời!”) đối với những trẻ có lòng tự tôn thấp nhiều gấp đôi so với trẻ có lòng tự tôn cao. Với những trẻ có lòng tự tôn cao, lời khen thường chú trọng vào công việc trẻ làm (“Con vẽ bức này đẹp đấy!”)

Rõ ràng, người lớn thường nghĩ rằng việc khen ngợi những đứa trẻ có lòng tự tôn thấp về các giá trị cá nhân chứ không phải vì những nỗ lực của chúng sẽ làm tăng thêm lòng tự tôn của trẻ. Nhưng thực tế, điều này lại ngầm nói với trẻ rằng chúng chỉ được đánh giá là có giá trị khi chúng thành công. Và nếu chẳng may sau này khi không làm được việc gì đó – điều mà tất cả chúng ta vẫn thường gặp – thì chúng sẽ cảm thấy mình vô giá trị và ít năng lực.

                                       

Các nhà nghiên cứu tin rằng những đứa trẻ được khen ngợi bởi sự cố gắng sẽ không kết nối giá trị bản thân mình với sự thành công, nên thất bại sẽ được chúng coi là bước lùi tạm thời hoặc do thiếu cố gắng, chứ không phải là một tì vết đối với nhân cách của mình.

Giáo sư Brad Bushman – Đại học Ohio cho biết mặc dù sự khác biệt giữa khen ngợi một cá nhân và khen ngợi sự cố gắng là rất nhỏ, nhưng sự khác biệt này lại có ảnh hưởng lớn đến lòng tự tôn của trẻ.

Vì vậy, các bậc phụ huynh và các giáo viên hãy chú trọng vào việc khen ngợi sự cố gắng của trẻ thay vì khen ngợi các phẩm chất cá nhân trẻ.

                                         

Tất cả chúng ta đều thích được khen ngợi!

Chúng ta hãy thống nhất nguyên tắc chung là khen ngợi sự nỗ lực của trẻ thay vì khen ngợi tính cách cá nhân. Nếu chúng ta khen ngợi cá nhân, chúng ta có thể tạo ra cho trẻ những mong đợi mà không phải lúc nào cũng đáp ứng được, đồng thời lại mở ra cảm giác xấu hổ và thiếu giá trị ở trẻ khi chúng không thể thành công (mà chẳng ai có thể luôn luôn thành công cả). Điều này có thể dẫn đến việc trẻ thiếu đi tự tin và mong muốn tìm hiểu cái mới, và thậm chí trẻ còn có thể nghĩ “Mình là người chả ra gì”. Dĩ nhiên, đó không phải là thông điệp mà chúng ta muốn gửi đến trẻ.

Dr Trevor

Nguồn: Theo tài liệu của  American Psychological Association 

Các tin khác: