Nhận về bình yên
Từ 2013 – 2015 Quỹ “Bàn Tay nhỏ” của các bạn học sinh Koala House tiếp tục cùng nhóm tình nguyện Niềm Tin xây lớp học tại bản Nậm Vì, xã Chung Chải, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Vào tháng 6/2015 hai lớp học xinh xắn cùng 1 phòng ở cho giáo viên xây bằng gạch không nung đã hoàn thiện, sẵn sàng tiếp nhận 40 học sinh lớp 1, 2 trong bản (ở các xã miền núi, học sinh lớp 1, 2 học tại bản, từ lớp 3 các em sẽ về học nội trú tại trường dưới trung tâm xã).
Sau đây, xin chia sẻ với các bậc phụ huynh ghi chép của một cô giáo Koala House về chuyến đi lên bản Nậm Vì vào cuối tháng 9 vừa qua để khảo sát địa điểm xây trường tiếp theo, kiểm tra tình hình hoạt động của trường vừa xây, tặng dê giống cho 5 hộ dân khó khăn và tổ chức Trung Thu cho các em trong bản.
Lịch trình:
- Ngày 1: Hà Nội – Sơn La
- Ngày 2: Sơn La – Điện Biên – Mường Nhé
- Ngày 3: Mường Nhé – Chung Chải – Nậm Vì
- Ngày 4: Nậm Vì – Điện Biên
- Ngày 5: Điện Biên – Hà Nội
Những con số về chuyến đi:
- Tổng hành trình: 1.541 km (tính từ Koala House Phan Kế Bính, không kể 55- 60 km đường đi xe máy và đi bộ)
- Tổng thời gian: 107 giờ (gần 4 ngày rưỡi)
- Số thành viên: 7
- Đồ đoàn mang theo:
+ 382 chiếc mũ Koala House + 120 chiếc đèn lồng
+ 1 thùng bánh bông lan + 120 bánh nướng
+ 50 chiếc đèn ông sao + Nguyên liệu và đồ dùng làm bánh dẻo
+ 283 quyển vở + 240 bánh xà phòng
+ 40 bàn chải và kem đánh răng + 40 khăn mặt
+ 1 thùng nước rửa bát + Sách giáo khoa, truyện, báo, quần áo cũ
+ 56.000.000 VND tiền ăn trưa cho 40 học sinh trong năm học 2015 -2016
+ 32.400.000 VND tiền 10 con dê giống
Chuẩn bị cho chuyến đi
Tạm biệt Hà Nội, 11 trưa thứ Sáu, 25/9, bảy anh chị em thẳng tiến lên Điện Biên. Chiếc xe bus của trường Koala cõng trên mình nào sách, vở, quần áo, xà phòng, nước rửa bát, bánh trung thu, đèn lồng, đèn ông sao,… Đèo tiếp đèo, núi tiếp núi, hết Mường Ảng, Mường Thanh, đến Mường Phăng, Mường Chà, Mường Nhé… sáng sớm ngày Chủ Nhật đoàn chúng tôi mới lắc lư đến được trung tâm xã Chung Chải, cách Hà Nội khoảng hơn 700 cây số.
Đường đến Mường Nhé
Đến đây đoàn chia 2 ngả: Một nhóm đến bản Xà Quế, cách trung tâm xã khoảng 15 cây số để khảo sát địa điểm xây trường mới (hiện đang gây quỹ và dự kiến khởi công vào tháng 10 năm sau). Một nhóm lên bản Nậm Vì, nơi có ngôi trường nhỏ xinh và những gương mặt ngây thơ, lấm lem đang đợi chúng tôi.
Những em bé vùng cao
20 cây số đường vào bản đi xe như cưỡi ngựa. Dọc đường đi, dõi theo chúng tôi là những đứa trẻ đầu trần tóc cháy trong cái nắng miền Tây Bắc. Bọn bé xíu đứa thì mặc quần không áo, đứa thì có áo cởi truồng, các em lớn thì trang phục “chỉnh tề” hơn chút xíu. Vài đứa lơn lớn hơn chút nữa, chắc đang được đi học ở trường trung tâm xã nên nhận ra các thầy giáo đang chở chúng tôi, rụt rè chỉ cho nhau: “Thò gió, thò gió kìa” (Thầy giáo, thầy giáo kìa).
Lên đến trường, sắp sắp xếp xếp, 2 h chiều cả nhóm mới nhớ ra bữa trưa của mình là mấy cái bánh chưng con mua vội ở chợ Mường Nhé. Ăn khẩn trương, vì biết đoàn đến, các em đã thập thò từ giữa buổi sáng ở cửa lớp, dù chỉ để ngó nghiêng, chỉ trỏ và chạy biến đi khi có ai đó hỏi thăm mình.
Mỗi người một việc, các thầy giáo treo backdrop. Nhóm chuẩn bị dê để tặng 5 hộ dân khó khăn nhất bản (dê đã được các thầy giáo mua hộ và chở lên bản từ sáng). Nhóm nhào bột bánh dẻo. Nhóm lắp đèn lồng và đèn ông sao. Bọn trẻ ở Nậm Vì thật ngoan. Những con mắt hau háu, thèm thuồng vây quanh khay bột bánh dẻo và chồng đèn ông sao, đèn lồng. Nhưng tuyệt nhiên chúng không chạm vào. Chỉ đến khi chúng tôi rủ chúng cùng làm thì mới thấy những đôi tay nhỏ ấy thật khéo léo và nhanh nhẹn.
Tặng dê cho các hộ nghèo
Trong cái nắng chiều Tây Bắc, bọn trẻ và người dân trong bản hồ hởi đợi liên hoan Trung Thu. Với hầu hết dân bản, đây là lần đầu tiên trong đời họ thấy đèn lồng, đèn ông sao. Vui hơn cả là 5 hộ khó khăn nhất, mỗi hộ được tặng một đôi dê giống. Hy vọng sau một năm chăm bẵm, dê sẽ đẻ được trung bình 3 lứa, mỗi lứa 2 con, mỗi hộ dân sẽ có một đàn dê nhỏ nho để thoát nghèo. Và như một sự đáp đền tiếp nối, 5 hộ dân này đã cam kết sau một năm mỗi hộ sẽ tặng 1 con dê giống cho 5 hộ gia đình khó khăn khác. Và cứ thế cứ thế …
Vui Trung Thu cùng các em
Sau liên hoan, bọn trẻ được hướng dẫn cách nhặt rác bỏ vào thùng. Các em làm rất nhanh và vui vẻ, như một trò chơi mới vậy. Những chiếc đèn lồng, đèn ông sao được bà con trân trọng treo lên trước cửa từng nhà. Cùng thu dọn rác
Sớm hôm sau, theo đúng lịch “công tác”, chúng tôi lại đến trường Nậm Vì để khảo sát bữa cơm trưa bán trú của các em. Từ xa đã nghe tiếng hát ran ran líu lo của các em: “Đi họ về là đi họ về, e và nhà e chà cha mẹ,…” (Đi học về là đi học về, em vào nhà em chào cha mẹ).
Trường mới
Trước đây, khi trường chưa được xây lại, lớp học của các em là những mảnh tre nứa ghép tạm, mùa hè nóng cháy, mùa đông gió lùa. Ngồi trong lớp các em vừa lo chống đỡ sự khắc nghiệt của thiên nhiên ngoài kia, vừa chiến đấu với cái đói đang giày vò trong bụng. Khi trường mới với 2 lớp học kiến cố, xinh xắn và một phòng ở cho 2 thầy giáo được dựng lên, trẻ trong bản đến trường nhiều hơn, nhưng chỉ đến nửa buổi là nghỉ vãn vì đói quá. Nhóm Niềm Tin cùng chúng tôi quyết định thực hiện dự án tặng bữa trưa cho các em.
Buông phấn, buông vở, hai thầy thành hai “cô nuôi”
Chia suất ăn cho học trò Rửa tay trước khi ăn
Từ giữa tháng 9/2015, khi được ăn bữa trưa ở trường, các em đi học đầy đủ hẳn, hầu như không còn chuyện giữa buổi học các em bỏ đi bẻ măng, kiếm củi đổi gạo. Hai thầy giáo buông phấn, buông sách xuống là thành “cô nuôi”, tay đũa, tay rau nấu đồ ăn cho học sinh. Nhìn bọn trẻ ríu ran xếp hàng đợi thầy giáo chia thức ăn thật vui. Vui vì “Bàn tay nhỏ” của các bạn học sinh Koala House đã làm được việc có ích. Nhưng sống mũi lại chợt hăng xè khi nhìn bọn trẻ ngấu nghiến nuốt không kịp nhai. Ngấu nghiến là thế nhưng hầu như bạn nào cũng chỉ ăn một phần đồ ăn, phần còn lại gói xin thầy chạy ù đem về cho mọi người trong nhà. Có cậu bé vừa ăn vừa ngó ra ngoài cửa lớp. Rồi rất nhanh cậu mang đồ ăn còn lại ra hè, nơi 2 đứa em lít nhít trứng gà trứng vịt của cậu đang đợi để ăn nốt. Không dám giơ máy ảnh lên chụp khi nhìn thằng cu Thái cũng đang kiễng chân ngoài hè cho anh mình húp nốt chỗ canh rau nó vừa mang trong lớp ra.
Bữa trưa trong lớp học
Tạm biệt Nậm Vì giữa cái nắng chang chang, giữa những bàn tay nhỏ xíu ngượng nghịu vẫy theo, giữa những đèn lồng, đèn ông sao như những niềm hy vọng lấp lánh trước cửa những ngôi nhà cũ kỹ, tuềnh toàng, chúng tôi biết mình vẫn sẽ cần quay trở lại nơi này, để thực hiện lời hứa “Ấm no bản Nậm Vì” mà cả nhóm đang ấp ủ và thực hiện.
Đường về xa ngái. Nhớ đến cảnh bác người Mông ngồi ôm chiếc ba lô của chúng tôi đánh rơi, đợi giữa đường “xem của ai tao trả”, nhớ đến cảnh thầy Khiêm hiệu trưởng trường xã trên đường chở chúng tôi đi khảo sát bất chợt dừng lại dọc đường để cắt tóc cho một em bé vì “thấy bố nó cắt xấu quá”, nhớ đến thầy Hữu vào tận bản chở học sinh ra xã đi học, nhớ đến thầy Quýt Ly Lý hì hụi lục tung đám quần áo chúng tôi mang lên để chọn cho từng học sinh, nhìn sau xe thấy đôi bạn trẻ của nhóm Niềm Tin đang tựa vai nhau ngủ, lòng thấy thật bình yên, tin vào lựa chọn của mình.