Khi cha mẹ vô tình nêu những gương xấu cho trẻ
Chúng ta dạy con một đằng, nhưng hành động của chúng ta đôi khi lại thể hiện một thông điệp hoàn toàn khác hẳn. Làm thế nào để truyền đạt cho con những những giá trị sống một cách hiệu quả nhất.
Tiến sỹ Ron Taffel
Tất cả các cha mẹ mà tôi quen biết đều tin rằng vai trò của cha mẹ trong việc nêu gương cho trẻ là rất quan trọng, và trong phần lớn các tình huống, cha mẹ đều thành công trong mục tiêu này. Nhưng không phải lúc nào bạn cũng làm được như vậy. Đôi khi, một cách vô thức, chúng ta đã thể hiện những cách ứng xử mà chúng ta không bao giờ muốn con của mình làm theo.
Tôi không nói tới những tình huống rõ ràng mà nhiều bậc cha mẹ cảm thấy có lỗi ngay khi phạm phải, như khi chúng ta hét lên quát mắng con trai 5 tuổi vì cháu đang quát mắng em gái của mình. Đó là những lỗi mà trong những phút giây căng thẳng chúng ta thường mắc phải, và các bậc cha mẹ thường nhận ra ngay lập tức là họ đã sai. Ở đây, tôi nói tới những lỗi nhỏ hơn, tinh tế hơn mà chúng ta thường không chú ý tới, nhưng nó có tác dụng làm yếu đi những bài học mà chúng ta đang muốn dạy con mình. Sau đây là 5 tình huống quen thuộc nhất.
Tình huống 1
Bạn nêu ra một câu hỏi rất hay, nhưng bạn lại chẳng hề chú ý tới câu trả lời
Khi bạn đi làm về, bạn nói ngay với con “Hãy kể cho bố/mẹ nghe ngày hôm nay con làm được những gì ở trường nào?”. Đây là một câu hỏi rất đúng. Tất nhiên là bạn muốn nghe những câu chuyện ở trường của con, giờ học ra sao, giờ ra chơi con có những hoạt động thú vị gì. Bạn rất thích những câu chuyện đó và cảm thấy gắn bó hơn với con khi chúng chia sẻ những gì xảy ra trong cuộc sống hàng ngày của chúng với bạn.
Sai lầm của bạn: Nhưng có thể bạn đã gửi đi một thông điệp trái ngược hẳn với mục đích của bạn nếu bạn hỏi con câu này khi bạn đang quá bận bịu chuẩn bị cho bữa tối của gia đình, bạn đang đọc mail hay bận rộn dọn dẹp đồ chơi trong phòng khách. Con của bạn sẽ hiểu thông điệp của bạn là “ Hãy kể với mẹ, nhưng nói nhanh thôi vì chúng ta không có nhiều thời gian đâu nhé! Vấn đề mẹ quan tâm nhất lúc này là chuẩn bị bữa tối… hay đọc mail… hay dọn dẹp nhà cửa cho ngăn nắp”
Bạn cũng sẽ gửi đi một thông điệp nửa vời khi bạn đề nghị trẻ kể cho bạn nghe về những hoạt động của trẻ, nhưng lại chẳng chia sẻ gì về những hoạt động của bạn. Có thể đó chính là lý do tại sao bạn lại nhận được những câu trả lời tẻ nhạt vẫn thường làm các cha mẹ nổi điên lên như “Chẳng có gì ạ”, “ Tốt thôi!”, hay “Vẫn như mọi ngày!”
Một cách tốt hơn: Trẻ rất thích nhận được sự quan tâm chú ý của cha mẹ, ít nhất là trong lúc chúng chia sẻ những câu chuyện mà chúng quan tâm. Hãy dành ra một chút thời gian, khi bạn có thể gạt sang một bên tất cả những bộn bề công việc để ngồi bên con, nhìn vào mắt con và hỏi về những gì xảy ra với con ở trường. Bạn chăm chú lắng nghe như thể không có điều gì trên đời này lại quan trọng hơn những thứ con bạn đang nói. Làm như vậy, bạn đã cho con hiểu rằng bạn thực sự dành hết tâm trí cho chúng. Ngoài ra, bạn cũng nên chia sẻ với trẻ một chút về ngày làm việc của bạn. Khi bạn chia sẻ cho trẻ một ít thông tin như vậy, bạn sẽ có hai điều có lợi cho bạn. Thứ nhất, bạn cho con thấy cả nhà bạn là một gia đình. Thật tuyệt khi chúng ta cùng chia sẻ mọi vấn đề với nhau. Thứ hai, câu chuyện của bạn có thể sẽ gợi cho bé nhớ về những câu chuyện của bé ở trường, và tự nhiên bạn lại được nghe thêm về chuyện có hai bạn cãi nhau ở trường hay cô giáo đã cáu và bực tức ở lớp như thế nào. Cứ như một phép thần vậy, khi bạn cởi mở và chia sẻ, con bạn cũng sẽ làm y như vậy với bạn!
Tình huống 2
Bạn tắt TV, nhưng bạn cũng không tập trung dành sự chú ý thực sự cho gia đình
Bố mẹ hoàn toàn đúng khi lo ngại trẻ dành quá nhiều thời gian cho TV. Bạn lo lắng không chỉ vì các con bạn còn quá bé trước những ảnh hưởng tiêu cực do văn hóa TV đem lại, mà còn là vì khí ít thời gian xem TV hơn có nghĩa là sẽ có nhiều thời gian dành cho gia đình hơn. Một số cha mẹ giới hạn thời gian xem TV của các con nhưng họ không nhận ra là làm như vậy vẫn chưa hoàn toàn đủ.
Sai lầm của bạn. TV có thể đã bị tắt, nhưng với trẻ thì rõ ràng là bạn vẫn còn đang “bị cắm điện” để làm một đống các việc khác như: điện thoại reo và bạn bắt đầu buôn chuyện, bạn đang dán mắt vào màn hình máy tính, dạo internet và trả lời email. Đúng là quá nhiều TV là không tốt – chúng ta đều biết điều đó. Nhưng chúng ta lại bỏ qua tác động của tất cả các phương tiện thông tin đại chúng khác và do đó, chúng ta đã truyền đạt một thông điệp hoàn toàn khác cho trẻ: Để tồn tại trong thế giới này, ai cũng cần phải được “nối điện” 24/7.
Một cách tốt hơn. Mỗi ngày, gian đình bạn nên dành ra khoảng 1 tiếng cho những sinh hoạt không bị tác động bởi thế giới điện tử. Đó có thể là khoảng thời gian ngay sau khi bạn đi làm về, hay trước khi đi ngủ. Hãy tắt máy tính của bạn. Đừng chạy vội ra nghe điện thoại cầm tay. Phần lớn chúng ta không bị đòi hỏi phải có mặt ngay trong những tình trạng khẩn cấp, do đó chúng ta không cần phải trả lời điện thoại 24/24. Nếu bạn có thể tạo ra một khoảng thời gian khi không có gì có thể vi phạm được không khí của gì đình bạn, bạn đã truyền đi một thông điệp rất tích cực: Bố và Mẹ có thể có những lúc không “bị cắm điện” tí nào và cuộc sống của gia đình mình thật là dễ chịu mà không bị những yếu tố bên ngoài tác động tới.
Tình huống 3
Bạn khuyến khích trẻ thể hiện sự biết ơn – nhưng bản thân bạn lại không chờ đợi sự biết ơn từ trẻ
Khi con bạn bắt đầu đi học nhà trẻ, bạn sẽ nói với con những câu như thế này hàng trăm lần “Con đã cảm ơn mẹ bạn Ami đã mời con tới buổi liên hoan chưa?”, “Mẹ thích việc con ôm vai bạn Ted để an ủi bạn khi bạn ý khóc lắm”, “Mẹ cảm ơn con đã vẽ bức tranh cho mẹ nhé. Mẹ thấy nó đẹp lắm!”. Bạn rất cố gắng cho trẻ thấy rằng bạn biết trân trọng người khác khi bạn cảm ơn những người đã giúp mình việc gì đó.
Sai lầm của bạn. Bạn đưa con trai đi mua sắm quần áo ấm ở trung tâm thương mại. Trong lúc ở đó, bạn mua cho con một bữa trưa ở nhà hàng mà con thích nhất, sau đó cho con một ít xu để chơi game. Bạn biết con trai bạn đã có một ngày thật tuyệt, nhưng con chẳng nói một lời thừa nhận những gì bạn đã làm cho bé trong suốt cả một ngày.
Một cách tốt hơn: Phần lớn cha mẹ giục các con phải nói lời cảm ơn với những người khác nhưng lại ngần ngại việc khuyến khích các con nói lên sự biết ơn dành cho mình. Sau tất cả những gì bạn đã cố gắng thì bạn chính là người xứng đáng được hưởng sự biết ơn đó nhất. Nhưng rất nhiều cha mẹ nghĩ rằng những gì họ làm cho các con chỉ đơn giản là một phần của nghĩa vụ làm cha mẹ. Quan điểm đó làm ảnh hưởng tới thông điệp của chúng ta gửi tới các con là việc cảm ơn người khác và nhận những lời cảm ơn từ người khác đều rất quan trọng.
Tất nhiên là bạn không cần bé phải thể hiện sự biết ơn mỗi lần bạn đem quần áo của con đi giặt hay bạn chuẩn bị bữa tối cho con. Nhưng hãy nhắc con mỗi lần bạn tổ chức một sự kiện gì đặc biệt cho bé như đưa bé và các bạn đi xem phim hoặc chuẩn bị cho con một món ăn mà con ưa thích. Bạn có thể nói “Mẹ đang muốn nghe câu “Con cảm ơn mẹ!” đây này!”. Bạn có thể nhờ vợ hoặc chồng mình giúp một tay: “Con thấy mẹ chuẩn bị một bữa tối thật tuyệt không? Bố con mình nhớ cho mẹ biết là bố con mình rất biết ơn mẹ nhé!”.
Và đây chính là điều quan trọng nhất: khi trẻ thấy rằng bạn rất vui khi được bé cảm ơn, trẻ sẽ học được từ chính những kinh nghiệm này. Trẻ sẽ thấy được sự khác biệt rõ ràng khi mình biết trân trọng sự giúp đỡ của ai đó. Niềm vui của mọi người sẽ làm trẻ cảm thấy dễ chịu và trẻ cũng biết rằng khi mình nói lời cảm ơn, mình sẽ mang đến cả sự dễ chịu cho cả người khác nữa.
Tình huống 4
Bạn dạy con bạn phải biết nhận lỗi, nhưng bạn lại đang cố bào chữa cho lỗi của chính mình
Chúng ta thường dạy trẻ không được lấy các lý do để biện hộ cho lỗi của mình. Chúng ta muốn chúng hiểu rằng ai cũng có lúc làm sai và điều quan trọng hơn là biết nhận lỗi và biết cách sửa chữa lỗi của mình.
Sai lầm của bạn. Con trai bạn và bạn thân của bé cùng nhau phá phách phòng chơi. Khi bạn bé về, bạn nói “Mẹ cấm con không bao giờ được rủ ai lên chơi nữa!” Mấy ngày sau, bạn nhân ra là mình sai khi đưa ra hình phạt nặng nề như vậy, nhưng bạn không muốn chữa lại lời nói của mình nữa. Bạn được khuyên là cha mẹ cần phải nhất quán và nếu bạn không như vậy, con của bạn sẽ cho bạn là không nghiêm và sẽ không còn sợ bạn nữa.
Một cách tốt hơn. Nếu bạn thay đổi ý và điều đó là hợp lý hơn, bạn có thể nói cho con biết “ Hôm trước thực sự là mẹ rất giận và mẹ đã không đúng khi phạt con nặng quá. Mẹ có một ý tốt hơn như thế này. Nếu con biêt giữ phòng chơi thật gọn gàng mẹ sẽ giảm thời gian phạt xuống còn 3 ngày thôi nhé”.
Bạn đã thể hiện rằng chúng ta nên nghĩ lại những gì chúng ta đã làm, nhận khuyết điểm nếu thấy mình sai và cố gắng để sửa chữa sai lầm đó. Con của bạn chắc chắn sẽ không đánh gía thấp bạn vì việc đó đâu.
Tình huống 5
Bạn muốn trẻ phải lấy lại được sự bình tĩnh mỗi khi tức giận. Nhưng bạn lại không dạy chúng làm phải làm việc đó như thế nào?
Cha mẹ rất đúng khi dạy con “Đừng tức giận như thế… Không đấm đá…Không la hét… Hãy suy nghĩ trước khi hành động nhé”. Chúng ta muốn các con hiểu rằng khi chúng cáu giận, chúng cần phải sớm lấy lại được sự bình tĩnh và học cách diễn đạt cảm xúc của mình một cách hợp lý. Rất nhiều cha mẹ còn dạy con học cách giải quyết vấn đề bằng cách gợi ý cho con “Theo con, lần sau mình cần làm gì khác hơn để tránh việc như thế này xảy ra?”
Sai lầm của bạn. Chồng bạn quên mua sữa về nhà sau khi bạn đã nhắc anh ấy tới 4 lần… Người bồi bàn trong tiệm ăn tỏ ra bất lịch sự với bạn… Chiếc xe bên cạnh cắt mũi xe bạn rồi vượt lên trên. Bạn thực sự cảm thấy rất khó chịu, nhưng bạn không muốn thể hiện trước mặt con của mình. Do đó bạn cố dấu cảm xúc, bạn nghiến răng kèn kẹt, mặt mày nhăn nhó, nhưng không nói một lời nào. Mặc dù rõ ràng bạn thích việc to tiếng với chồng, mắng người bồi bàn hay vượt lên chiếc đã xe lấn đường của bạn cho nó biết tay hơn nhưng bạn đã cố gắng kiềm chế cơn bực dọc của mình và đã bỏ lỡ một cơ hội chỉ cho các con biết cách bạn giải quyết những cơn bực tức của mình như thế nào. Hoặc nếu bạn là người không thích kiềm chế thì bạn la lối, tức tối om xòm. Làm như vậy sẽ giúp bạn xả cơn tức đi một chút, nhưng bạn không biết rằng các em bé đang âm thầm ngắm bạn một ngày nào đó sẽ diễn lại y chang cho bạn xem trong cơn cáu giận bạn nói năng và hành động trông dễ sợ như thế nào.
Một cách tốt hơn. Trẻ sẽ học được nhiều về cách giải quyết xung đột qua việc chứng kiến bố mẹ mình giải quyết những cảm xúc bức xúc như thế nào. Do đó, trong một số trường hợp nên cho trẻ nghe thấy bạn đang tự nói với mình để giải quyết cơn bực dọc. Trong quán ăn, bạn có thể bảo “Được rồi, người bồi bàn này đã không làm tốt được nhiệm vụ của anh ta. Mình thấy khó chịu quá. Nhưng anh ta trông có vẻ mệt mỏi quá, chắc anh ta đang có chuyện gì đó buồn bực, mình sẽ bỏ qua chuyện này”. Khi bi xe vượt trên đường, bạn có thể nói “Mình thực sự muốn vượt lên và cắt qua mặt thằng cha đó, nhưng mình chả ngốc mà làm như thế. Mình sẽ thở thật sâu và để cho sự khó chịu trôi qua.”
Bạn là một ví dụ tình huống sinh động nhất khi bạn cho trẻ thấy bạn đã cố gắng giải quyết những cảm xúc khó chịu bức xúc như thế nào. Thêm vào đó, các con sẽ thấy rằng những gì bạn làm hoàn toàn nhất quán với những gì bạn đang dạy chúng. Bạn hoàn toàn đáng tin cậy.
Chúc các bạn thực sự tự tin với những gì bạn đang dạy con của mình!