Chơi giúp trẻ phát triển tư duy nhận thức như thế nào
SHANNON LOCKHART
Chuyên gia chương trình Highscope
Hãy quan sát bé Anne, một bé gái 3 tuối đang lên kế hoạch cho trò chơi chơi xếp hình của mình
Vào đầu giờ chơi – là khoảng thời gian dành cho việc lên kế hoạch cho trò chơi, bé Anne nói “Con sẽ chơi với các con chó đồ chơi ở góc chơi xếp hình. Con sẽ làm một cái thang máy thật cao”. Sau đó, Anne bắt đầu xây các khối hình và chơi với các con chó đồ chơi theo kế hoạch mà bé đã dự định. Bé xếp chồng các hình khối lên nhau giống như các tòa nhà cao tầng – đó chính là cái thang máy của bé, rồi bé đặt các con chó vào trong đó. Cái thang máy bị đổ xuống. Bé cố gắng làm lại vài lần nhưng cái tháng máy vẫn tiếp tục bị đổ. Anne quyết định xếp lại các khối xếp hình thành hàng ngang, rồi nối chúng vào với nhau để tạo thành một cái khung nhà hình vuông. Anne nói với cô giáo Shannon “Con đang làm nhà cho các con chó đấy vì thang máy cứ bị đổ xuống cô ạ”. Cô Shannon nói “Cô cũng đang tự hỏi không biết con đang xây cái gì vì con nói con sẽ xây một cái thang máy cao thẳng đứng nhưng bây giờ cô lại thấy con đang dùng các vật liệu làm thang máy để làm cái nhà thấp tầng. Con đã giải quyết vấn đề cái thang máy bị đổ bằng cách đổi kiểu xây dựng đúng không nào?”. Bé Anne giả vờ nói chuyện trong khi đang dẫn các con chó đi dạo xung quanh nhà. Bé nói “Mẹ ơi! Mẹ ơi, con đang đói bụng lắm” và bé mở cửa nhà của chó và đặt con chó vào bên trong. Rồi Anne lại nói tiếp “Mẹ bảo cơm vẫn chưa xong, đi chơi tiếp đi con”
Trong khi dẫn chó đi chơi xung quanh nhà, Anne tự nói to với mình “Chúng mình phải tìm việc gì đó để làm trong khi chờ thức ăn chín nhé”. Rồi bé nói với cô Shannon “ Con giả vờ đang đi chơi công viên nhé!” Cô Shannon đồng ý và bảo “ Cô sẽ trượt cầu trượt 3 lần và sau đó sẽ chơi trò leo trèo nhé!” Khi cô Shannon giả vờ chơi trò đó với một con chó, Anne quan sát rồi bắt chước theo, sau đó cô bé nói “Con chó của con nhảy cao hơn của cô đấy”, rồi bé nói “Mẹ bảo đến giờ phải về nhà rồi. Mình phải dẫn các con chó vào nhà của nó để nó ăn bữa tối cô ạ” Cứ như vậy, trò chơi lại tiếp tục.
Vào giờ kể lại trò chơi, Anne lấy một cái khăn quàng để che những đồ chơi bé vừa chơi xong. Khi đến lượt bé kể lại trò chơi của mình, bé đố các bạn xem ở dưới cái khăn là những đồ chơi gì. Bé chỉ cho nhóm của mình xem những hình bé xếp và những con chó. Cô Shannon hỏi xem bé đã làm gì với những đồ chơi này. Bé Anne kể lại những khó khăn bé gặp phải khi “xây dựng” cái cầu thang máy và rồi bé kể câu chuyện về những con chó.
Các nhà giáo dục mầm non cho rằng trẻ học được rất nhiều trong khi chơi. Nhưng chính xác các bé học được gì? Trong ví dụ trên đây, bé Anne đã học được gì từ trò chơi của mình? Bé học cách lên kế hoạch về những việc bé định làm, tiến hành kế hoạch của mình, và rồi kể lại những gì bé đã thực hiện (trong chương trình Highscope chúng tôi gọi đây là quá trình Lên kế hoạch – Thực hiện – Điểm lại kế hoạch). Bé Anne đã phát triển những chức năng nhận thức cơ bản như sử dụng trí nhớ và trí tưởng tượng, tự kiểm soát (cảm xúc và hành động), ngôn ngữ (đối thoại và tự thoại) và khả năng tổ chức, tập trung, lên kế hoạch, đề ra chiến lược, xác định ưu tiên, đưa ra sáng kiến và các kỹ năng quan trọng khác có tính quyết định đối với sự thành công của cuộc sống học đường của bé sau này.
Trên thực tế, tất cả các kỹ năng nhận thức này là một phần của một khái niệm mà chúng tôi gọi là “kỹ năng tư duy điều hành” – những khả năng nhận thức giúp kiểm soát và điều tiết các ứng xử của cá nhân. Chơi giúp trẻ phát triển những khả năng này. Rất đáng tiếc là do những áp lực đòi hỏi trẻ phải tập trung vào các chương trình học kiến thức mà thời gian dành cho việc chơi tự do bị hạn chế hay bị loại bỏ khỏi chương trình, hoặc các bé cũng rất ít khi được cho phép tự do đưa ra sáng kiến lựa chọn trò chơi cho mình. Trong bài này, chúng tôi sẽ nói về những lợi ích của việc chơi trong đời sống của trẻ nhỏ và chúng tôi sẽ đề cập đến những chức năng điều hành cơ bản được trẻ vận dụng trong thời gian chơi để chúng ta có thể có định hướng tốt hơn khi hỗ trợ trẻ khi trẻ chơi.
Tầm quan trọng của việc chơi
Theo Học viện nghiên cứu trò chơi của Hoa Kỳ, chơi được định nghĩa là “bất kỳ hoạt động nào được trẻ tham gia vì chúng thực sự thích tham gia. Chơi dường như không có mục đích nào khác ngoài việc đem lại sự thú vị và niềm vui cho trẻ và nó xuất phát từ chính cảm hứng của trẻ”. Chơi rất quan trọng đối với trẻ và do đó nó được Ủy ban về Quyền Con người của Liên Hiệp Quốc cho rằng đó là quyền cơ bản của trẻ em.
Chơi là nền tảng của việc học tập và thành công về học vấn sau này. Khi tham gia vào các trò chơi do mình tự chọn, trẻ sẽ tự quyết định phương hướng tiến hành và nội dung của trò chơi, chúng sẽ có những cơ hội để nghe và thực hành ngôn ngữ. Một nghiên cứu của Hiệp hội Nghiên cứu về những Thành tích Giáo dục đã chỉ ra rằng khả năng ngôn ngữ của trẻ 7 tuổi sẽ tốt hơn đáng kể nếu ở lứa tuổi lên 4 trẻ được khuyến khích tự lựa chọn các hoạt động chơi của mình.
Các chuyên gia tâm lý đã xác định 4 loại trò chơi của trẻ: chơi khám phá (khám phá các vật liệu và đồ dùng, không phải để sử dụng mà chỉ vì niềm vui được khám phá), chơi xây dựng (xây lắp các đồ vật), chơi đóng kịch (tự nghĩ ra tình huống và đóng vai) và với trẻ ở độ tuổi lớn hơn là các trò chơi có luật chơi. Khi trẻ dành thời gian chơi đóng vai, chúng sử dụng trí tưởng tượng để nghĩ ra các lời thoại và phát triển các kỹ năng tư duy phản biện. Chúng ta hãy xem những trò chơi do trẻ tự khởi xướng nói chung và những trò đóng vai nói riêng sẽ giúp trẻ phát triển chức năng tư duy điều hành như thế nào nhé.
Các nội dung của tư duy điều hành được trẻ vận dụng trong khi chơi
Dưới đây là 5 nội dung chính của “Tư duy điều hành” được trẻ vận dụng khi chúng chơi các trò chơi thực sự hứng thú đối với chúng. Quá trình lên kế hoạch – thực hiện – điểm lại kế hoạch như được miêu tả trong trò chơi của bé Anne sẽ minh họa cho sự liên hệ giữa chơi và các chức năng của tư duy điều hành.
By stocking the classroom with interesting materials that children can manipulate develop their working memory.
Trí nhớ về công việc và việc kể lại công việ
Thành phần đầu tiên của “Tư duy điều hành” là trí nhớ về công việc và kể lại các công việc đã tiến hành – khả năng lưu giữ các thông tin và dữ kiện cũng như việc lấy những thông tin đó ra từ trí nhớ dài hạn vào bất kỳ thời điểm nào sau đó. Trong kế hoạch hoạt động hàng ngày của Highscope, việc lên kế hoạch, tiến hành kế hoạch và kể lại kế hoạch là các cơ hội để trẻ sử dụng trí nhớ về công việc trẻ cần thực hiện và trình bày các ý tưởng, các lựa chọn và các quyết định của mình về những gì chúng dự định làm. Việc lên kế hoạch giúp trẻ xây dựng sự tự tin, biết kiểm soát đồng thời phát triển tính tập trung và khả năng chơi những trò chơi phức tạp hơn. Nó cũng giúp trẻ phát triển trí nhớ, dạy trẻ nhận thức được về khái niệm thời gian – khái niệm bây giờ và trước đó.
Khởi động, hứng thú và nỗ lực
Phần thứ hai của “tư duy điều hành” bao gồm việc khởi động (bắt tay vào công việc), hứng thú (tập trung vào công việc) và nỗ lực (hoàn thành công việc). Trẻ cần chuẩn bị các dụng cụ cần thiết, thực hiện các ý định, điều chỉnh lại kế hoạch khi có vấn đề nảy sinh và tập trung hoàn thành kế hoạch. Ở ví dụ minh họa trên, bé Anne theo sát kế hoạch của mình, nhiệt tình đóng vai và giải quyết các vấn đề nảy sinh. Để trẻ có thể phát triển “tư duy điều hành” một cách hiệu quả, điều quan trọng là kế hoạch của trẻ phải có mục đích rõ ràng và trẻ phải hứng thú tham gia trò chơi đó. Với những trẻ chỉ dạo quanh trong giờ chơi sẽ không phát triển được “tư duy điều hành” ở mức cao hơn. Tương tự, nếu các trò chơi hoàn toàn do người lớn chỉ định thì trẻ sẽ không có cơ hội đưa ra sáng kiến, sự thích thú bị giảm và các hành động có thể chỉ nhằm mục đích làm hài lòng người lớn hơn là trẻ thực sự nghĩ ra, tự sáng tạo và học hỏi từ trải nghiệm của chính bản thân mình.
Kiểm soát cảm xúc
Thành phần thứ 3 của “tư duy điều hành” là việc kiểm soát cảm xúc, đó là khả năng điều tiết sự thất vọng, điều tiết suy nghĩ trước khi nói hay hành động. Trẻ phát triển được khả năng tự điều tiết sẽ có khả năng kiểm soát cảm xúc, ứng xử, kiềm chế các thôi thúc theo bản năng và biết tự kỷ luật. Những trẻ đó sẽ biết cách giải quyết vấn đề, biết trình bày những cảm xúc mạnh mẽ của mình theo những cách không làm phiền lòng người khác, biết tôn trọng những ý tưởng của mình cũng như của những người khác, biết lắng nghe và cùng thảo luận về các vấn đề cần giải quyết, biết nhận ra khi có một vấn đề nảy sinh và biết đón nhận sự đa dạng về các giải pháp đối với vấn đề, biết thương lượng, hợp tác với những bạn khác trong khi vẫn giữ được bình tĩnh khi gặp phải vấn đề hay xung đột. Ở ví dụ trên, khi thang máy liên tục bị đổ, bé Anne có thể có cảm xúc chán nản, hay thất vọng và thể hiện sự bực tức của mình bằng cách hất các hình đã xếp xuống và bỏ đi. Tuy nhiên, bé đã có những kỹ năng kiềm chế cảm xúc, bé đã ngừng hoạt động xây thang máy và giải quyết vấn đề bằng cách đổi sang mục tiêu khác. Các nghiên cứu đã chứng minh rằng những bé dành nhiều thời gian để chơi trò chơi video và xem các phim bạo lực sẽ bắt chước những gì chúng nhìn thấy, cho rằng các cách ứng xử như vậy là chấp nhận được và không biết cách tự kiềm chế cảm xúc những khi bé cảm thấy thất vọng. Những trẻ này có thể cáu kỉnh bất cứ lúc nào, kể cả trong thời gian chơi.
Ngôn ngữ nội tâm
Nội dung thứ 4 của “tư duy điều hành” là việc sử dụng ngôn ngữ nội tâm hay ngôn ngữ “tự thoại” để kiểm soát ứng xử và định hướng hành động. Người lớn chúng ta thường tự nói với mình khi chúng ta muốn kiểm soát cảm xúc hay làm chủ tình huống. Với trẻ nhỏ, cách tự thoại này giúp trẻ định hướng hành động của mình và giúp trẻ tự điều tiết cảm xúc. Trò chơi đóng vai đặc biệt giúp trẻ phát triển ngôn ngữ này. Khi Anne chơi với những chú chó đồ chơi, bé sử dụng ngôn ngữ tự thoại khi bé định hướng trò đóng vai của mình. Những trẻ dành nhiều thời gian cho các hoạt động do giáo viên chỉ định, hoặc xem tivi, chơi các trò chơi điện tử – những hoạt động phải nghe người khác nói sẽ bị mất cơ hội phát triển tối đa khả năng tự điều tiết thông qua ngôn ngữ nội tâm tự thoại và thông qua suy nghĩ.
Khả năng Giải quyết các vấn đề phức tạp
Nội dung thứ 5 của “tư duy điều hành” là khả năng giải quyết các vấn đề phức tạp – khả năng bóc tách các vấn đề ra thành các thành phần nhỏ, phân tích và tái kết hợp các thành phần này một cách sáng tạo để tạo ra các ý tưởng mới. Trong suốt quá trình làm việc trong nhỏm nhỏ, trẻ sẽ gặp phải những khó khăn nảy sinh khi thực hiện các kế hoạch của mình. Môt phần của khả năng giải quyết vấn đề là giúp trẻ nhận ra rằng trẻ đang gặp vấn đề và giúp trẻ tìm một giải pháp cho những khó khăn đó. Khi trẻ đang hứng thú với công việc, người lớn không nên nhảy vào giải quyết vấn đề hộ trẻ, trẻ cần được học cách dựa vào chính mình, các ý tưởng và các quyết định của mình để phát triển khả năng giải quyết vấn đề môt cách tự tin. Đối với bé Anne, với những kinh nghiệm bé có với trò chơi xếp hình và các cách giải quyết vấn đề, bé không cần sự trợ giúp để giải quyết vấn đề đó mà tự mình tìm ra một ý tưởng mới với kế hoạch của mình. Những trẻ thiếu kinh nghiệm chơi và những trẻ dành nhiều thời gian tham gia vào các hoạt động do người lớn điều khiển sẽ mất tính sáng tạo cần thiết để giải quyết các vấn đề này sinh.
Tóm lại, là những người làm giáo dục, chúng ta có trách nhiệm phải tạo cho trẻ sự hứng thú về trí tuệ và thể chất để trẻ có thể tiếp thu kiến thức một cách hiệu quả nhất. Khi hiểu tầm quan trọng của thời gian dành cho việc chơi và những gì nó đem lại cho sự phát triển tư duy nhận thức của trẻ, chúng ta sẽ dành cho các con thời gian chơi hợp lý và sự tương tác với trẻ trong quá trình chơi. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất mà chúng ta luôn phải nhớ chính là: Bản chất của Chơi đơn giản chỉ là tận hưởng sự vui vẻ mà thôi.