DẠY NÓI CHO CON
Các bà mẹ cần nhận ra rằng việc dạy con trước hết, hơn tất cả là CỦA MÌNH, đặc biệt là ở lứa tuổi từ 0 đến 6. Chúng tôi xin đề cập đến việc dạy NÓI cho trẻ. Vấn đề này khá dài, nên mỗi lần chúng tôi đề cập một vấn đề nhỏ đều ảnh hưởng đến việc trẻ nói.
“NÓI” rất quan trọng: chậm nói sẽ làm bé mất một cơ số cơ hội nói chuyện với bạn bè, với cô, với mọi người xung quanh vào những thời điểm nhất định, cần cho sự phát triển ngôn ngữ. Ít nói chuyện thì không học được nhiều từ mới –> nói chậm, diễn đạt chậm –> ít cơ hội nói –> chậm nói. Một vòng rất luẩn quẩn. Nên đây là việc các mẹ trẻ phải để tâm. Đặc biệt, gần đây các bé chậm nói có vẻ thường gặp hơn. Không kể một số bé chậm nói do bệnh, thì khi hỏi kỹ, các bé chậm nói có nhiều điểm rất chung.
Những lưu ý để các mẹ nuôi con bé được biết:
– Bé 6 tháng tuổi bắt đầu bập bẹ, đến khoảng 1 tuổi trở đi mới bắt đầu nói tương đối rõ một số từ rất thường nghe, nhưng điều đó không có nghĩa là đến lúc đó mới bắt đầu học nói. Bé NGHE cả năm trời, gom vốn cả năm trời để đến lúc đó nói, thế nên đừng coi bé trong năm là “không biết gì”, hãy nói chuyện với bé, nói từ tốn, vui vẻ, mọi lúc có thể (và nói tiếng người, tiếng ngoài hành tinh (kiểu “trùi trùi, xin cá, iu cá, cụt kít iu iu cả tui nì,…” chỉ dùng thi thoảng khi muốn nựng bé thôi nhé). Còn nói với bé là nói rõ ràng từng chữ, gọi tên những thứ trong tay và những hành động thực hiện với bé (ví dụ, “mình ăn xong rồi, mẹ lau tay nhé, lấy cái khăn nào, khăn mềm cho tay dễ chịu này, lau cho sạch này, lau cho mát này,…). Bé sẽ chăm chú nhìn và đây là lúc bé tập lắng nghe.
– Từ là thứ để gọi tên đồ vật (bàn, ghế, khăn,…), hiện tượng (chìm, nổi, mưa, gió,…), hành động (đi, lật, bò), tính chất (mềm, ấm,…) v.v… nên bé càng được tiếp xúc (nghe, nhìn, nếm, ngửi, sờ) nhiều, càng trải nghiệm nhiều thì vốn từ càng phong phú, đương nhiên là với điều kiện mẹ luôn gọi tên các trải nghiệm đó.
– Tham gia vào việc phát ra âm thanh có lưỡi, răng, hàm, nên 1 trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến việc tập nói của bé mà rất ít ngờ tới là việc cho bé ăn thức ăn lỏng (cháo xay, bột xay) quá lâu. Việc bé chỉ nuốt thức ăn lỏng, mùi vị lẫn lộn, không chỉ làm bé không thích ăn, mà còn ảnh hưởng đáng kể đến sự linh hoạt của lưỡi và hàm, ảnh hưởng đến nói.
Các mốc phát triển ngôn ngữ, cũng như các mốc khác các mẹ có thể tham khảo trong “Sổ tay phát triển của trẻ”
Đương nhiên, tốc độ phát triển của các bé là rất cá biệt, có thể chênh với chuẩn và chênh với “con nhà người ta”, nhưng đồng thời phải nhớ có những giai đoạn đặc biệt nhạy cảm để phát triển năng lực này, và giai đoạn khác là để tập trung vào năng lực khác, nên cha mẹ phải quan sát bé kỹ càng. Tham khảo các chuẩn không phải để lo sợ không đạt chuẩn, mà để biết nếu vượt chuẩn thì cần khuyến khích thế nào và nếu chưa đạt chuẩn thì cần hỗ trợ ra sao.
Ths. Nguyễn Thị Thanh Thủy