Nghệ thuật từ lớp học
Bạn có thể nhận thấy rằng các bé Koala House “sản xuất” ra rất nhiều tác phẩm nghệ thuật trong một năm học. Mỗi lần tôi ghé thăm một lớp học là mỗi lần tôi lại cảm thấy ngạc nhiên một cách thích thú với những sản phẩm mới của các con được trưng bày trong lớp. Mới hôm nay thôi, tôi vẫn còn giữ cảm giác ngưỡng mộ những cuốn lịch các con làm để đem tặng cha mẹ nhân dịp Tết Nguyên đán. Khi tôi đang ngắm nhìn tác phẩm của các con, một em bé chạy đến bên tôi, chỉ vào một quyển lịch và tự hào nói “ Cái này là của con làm đấy ạ!” Em trông rất hạnh phúc khi được giới thiệu sản phẩm của mình cho tôi.
Trẻ thường đặt hết tâm sức và tình cảm của mình vào các sản phẩm mà các con làm. Trẻ thích công việc sáng tạo các “tác phẩm nghệ thuật” từ các nguyên liệu thô mà trẻ được cung cấp… háo hức xem mình sẽ tạo được “một cái gì đó” từ những thứ “lúc đầu chẳng là gì”. Tôi luôn có một cảm giác hạnh phúc và hài lòng sâu sắc mỗi khi tôi nhìn thấy các em và các cô cùng nhau ngồi kiên nhẫn và tỉ mỉ để tạo ra những sản phẩm nghệ thuật thủ công.
Ở Koala House, mục tiêu giáo dục của chúng tôi là tạo cho trẻ niềm hứng thú và say mê với nghệ thuật tạo hình ngay từ lứa tuổi Sunshine mới chập chững vào trường cho tới những anh chị lớn hơn. Thầy trò chúng tôi luôn thích thú tạo ra một không gian nghệ thuật, nơi trẻ cảm nhận được niềm đam mê, yêu thích thể hiện những bức tranh từ trí tưởng tượng không giới hạn của mình bằng các nét vẽ, hoặc sáng tạo những đồ vật mà có thể “một ai đó sẽ cần tới” bằng đất nặn.
Cha mẹ có thể chia sẻ niềm say mê nghệ thuật với trẻ như thế nào?
Khi con bạn tự hào chia sẻ với bạn những sản phẩm của bé làm, bạn sẽ đáp lại như thế nào? Bạn sẽ nói gì với bé? Đôi khi tôi nghe thấy các bố mẹ vô tình đã đưa ra những lời nhận xét không có mấy tính khuyến khích với trẻ bằng những lời khen ngợi không đúng cách như “Đẹp mĩ mãn!” , “Tuyệt quá!”, hay những lời phê phán như “Cái gì thế này?… Oh, cái đó nó không giống… Con vẽ gì mà kinh thế?”
Cho phép tôi gợi ý một số cách nói đơn giản để lần sau khi con bạn đem về nhà một bức tranh hay muốn kể với bạn những thứ bé làm ở trường, bạn có thể chia sẻ cùng với bé. Khi bạn nhận xét hay hỏi trẻ về các hoạt động thủ công nghệ thuật của bé ở trường, bạn sẽ muốn chuyển tới bé các thông điệp “Bố/mẹ hiểu con đang làm gì”, “Bố/mẹ quan tâm tới những nỗ lực của con”, “”Bố/mẹ sẵn sàng dành thời gian cùng con xem kỹ và thưởng thức công việc này” và “Bố/mẹ đánh giá cao sự tự tin của con”.
Thay vì nhận xét sản phẩm của bé bạn có thể giúp bé hiểu biết hơn về những gì bé đang làm và giúp bé diễn đạt được những suy nghĩ của mình về công việc đó. Những chủ đề bạn có thể thảo luận với bé bao gồm:
- Phát triển ngôn ngữ – học những từ mới như hoa văn, phấn màu, nghệ thuật cắt dán…
- Phát triển khái niệm – các hình, màu sắc, khái niệm dày mỏng, ngắn dài…
Vì phần lớn các hoạt động nghệ thuật của các bé là những trải nghiệm, không phải lúc nào chúng ta cũng dễ dàng tìm ra ý tưởng để nói chuyện với bé. Ví dụ như khi bé của bạn mang về một bức vẽ toàn những nét thẳng và những nét vẽ nguệch ngoạc, một số bố mẹ có thể nói ngay “Đẹp quá nhỉ!” hay hỏi “Con vẽ cái gì thế?”. Một cách tiếp cận khác tốt hơn cho việc phát triển tư duy của trẻ là hỏi bé “ Con có thể kể cho bố/mẹ về bức tranh của con được không?” hay “khi vẽ bức tranh này con thích điều gì nhất?” Những câu hỏi như vậy sẽ khuyến khích bé dễ dàng chia sẻ về các ý tưởng sáng tạo của mình mà không sợ bị nhận xét hay phán xét.
Những điều khác bạn có thể làm khi nói với bé của bạn về hoạt động nghệ thuật của bé:
Miêu tả những thứ bạn thấy– “Mẹ thấy con đã sử dụng 3 màu sắc trong bức tranh này…”, “đường này thì dài, đường này thì ngắn hơn nhỉ…” “Con dùng màu vàng và đỏ để vẽ ông mặt trời à?”
Hỏi về quá trình – “ Làm thế nào để con tạo được màu mới này thế?” “Con dùng bút vẽ nào để vẽ chiếc tàu này?”, “Con mất bao lâu để làm ra sản phẩm này, hãy nói cho mẹ các bước con làm nhé”
Hỏi những câu hỏi mở để khuyến khích trẻ suy nghĩ– “Khi vẽ bức tranh này con nghĩ tới điều gì?”, “Con có nghĩ điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta trộn lẫn các màu này với nhau không?” “Theo con lần sau mình có thể làm điều gì khác hơn?”
Sử dụng các từ khuyến khích những cố gắng của trẻ – “Hôm nay con vẽ được nhiều quá. Mẹ con mình sẽ treo chiếc tranh nào lên tường con nhỉ?”
Darren Czeczuga.
Cố vấn giáo dục