TỔNG QUAN CHƯƠNG TRÌNH

Chương trình giáo dục của trường Koala House được xây dựng dựa trên chương trình HighScope của Hoa Kỳ, tích hợp với các ý tưởng của trường phái Montessori, Reggio Emilia và chương trình khung của Bộ Giáo dục Việt Nam, nhằm tạo một môi trường học tập hiệu quả nhất cho trẻ. Tại trường học của chúng tôi, trẻ luôn được khích lệ để thể hiện bản thân qua các phương thức khác nhau như ngôn ngữ, nghệ thuật, âm nhạc, vận động và trò chơi…

Mỗi lớp học đều luôn chú trọng đến việc nghiên cứu sâu về các chủ đề học tập. Qua các chủ đề đó sẽ giúp trẻ nhận thức về bản thân và thế giới xung quanh. Sự lựa chọn chủ đề dựa trên các mối quan tâm, ý tưởng, sở thích của trẻ đồng thời kết hợp với các nội dung giáo dục theo yêu cầu của chương trình. Mỗi một chủ đề đều được các giáo viên linh hoạt triển khai thông qua những hoạt động liên quan tới nhiều lĩnh vực khác nhau như:

  • Toán
  • Khoa học
  • Nghệ thuật
  • Địa lý
  • Lịch sử
  • Ngôn ngữ (nói, viết, từ vựng)
  • Nấu ăn
  • Giáo dục thể chất
  • Tham quan dã ngoại
  • Khách mời

CHƯƠNG TRÌNH HIGHSCOPE

Chương trình Highscope được xây dựng dựa trên kết quả của các nghiên cứu chuyên sâu cho rằng, trẻ tiếp thu tốt nhất khi được chủ động tham gia vào quá trình học tập. Trẻ khám phá thế giới xung quanh dựa trên những trải nghiệm của trẻ với những người xung quanh, với các sự vật, các sự kiện, hiện tượng và các ý tưởng của trẻ.

Môi trường học tạo cho trẻ có các cơ hội được tìm tòi, khám phá theo sở thích, được chủ động lựa chọn và làm theo kế hoạch của chính bản thân mình. Chương trình HighScope mang lại phương pháp giáo dục toàn diện, giúp trẻ phát triển về mọi lĩnh vực.

Lớp học theo chương trình Highscope cần đảm bảo 3 yếu tố quan trọng sau:

(1) Sự tương tác giữa giáo viên và trẻ.

(2) Cách bài trí lớp học và các giáo cụ học tập.

(3) Các hoạt động theo lịch trình hàng ngày.

Sự tương tác giữa giáo viên và trẻ là quá trình làm việc và giao tiếp với trẻ hàng ngày thông qua lời nói và hành động nhằm khuyến khích trẻ tích cực tham gia quá trình học tập.

Trong Chương trình HighScope, ngoài việc hướng dẫn, giúp đỡ, hỗ trợ, khuyến khích và tạo nhiều cơ hội cho trẻ, giáo viên còn trực tiếp tham gia hoạt động với trẻ, cùng chia sẻ các vai trò: người lãnh đạo nhóm, thành viên của nhóm, người nói và người nghe. Giáo viên tương tác với trẻ bằng cách chia sẻ quyền quyết định với trẻ, chú trọng vào các điểm mạnh của trẻ, tạo nên các mối quan hệ thân thiết, hỗ trợ trẻ thực hiện các ý tưởng của trẻ và gợi mở cho trẻ các cách giải quyết vấn đề khi có khúc mắc nảy sinh. Giáo viên tôn trọng trẻ và những lựa chọn của trẻ, khuyến khích tính độc lập và sự sáng tạo của trẻ. Giáo viên cung cấp cho trẻ các học cụ (đồ dùng, đồ chơi, nguyên vật liệu…) và các kinh nghiệm mà trẻ cần để học hỏi.

Lớp học theo trường phái Highscope được chia ra thành các góc học tập theo các chủ đề mà trẻ yêu thích với các học cụ phong phú như góc gia đình, góc nghệ thuật, góc xây dựng, góc ghép hình, góc chơi hóa trang, góc học đọc học viết… Các đồ dùng đồ chơi được sắp xếp ở các vị trí phù hợp với trẻ nhằm giúp trẻ có thể tự lấy và cất đồ dễ dàng. Việc sắp xếp lớp học giúp trẻ cảm nhận được “thế giới” được sắp xếp như thế nào, tưởng tượng và hình dung ra hoạt động của thế giới xung quanh.

Chương trình HighScope nhấn mạnh việc bố trí các Hoạt động hàng ngày theo một trình tự nhất định, nhằm mang lại cho trẻ một ngày hoạt động cân bằng với các trải nghiệm và các cơ hội vui chơi, học tập. Một ngày hoạt động sẽ bao gồm các khoảng thời gian trẻ được làm việc theo nhóm nhỏ, khoảng thời gian làm việc theo nhóm lớn, thời gian luyện tập cơ bắp, phát triển các kĩ năng … Một phần quan trọng của các hoạt động hàng ngày là trẻ có thể tự lựa chọn hoạt động và lên kế hoạch thực hiện nó theo các ý tưởng của bản thân và chia sẻ suy nghĩ về các hoạt động đó cùng làm với cô và bạn khác.

Hoạt động tự chọn theo nhóm nhỏ: Trong các khoảng thời gian trẻ làm việc theo nhóm nhỏ, giáo viên giới thiệu cho trẻ những học cụ mới, những ý tưởng, các hoạt động và sau đó trẻ có thể tiếp tục quá trình khám phá trong thời gian “hoạt động”. Trẻ cần có khoảng thời gian lên kế hoạch thực hiện để tạo ra sản phẩm gì đó như việc chọn bạn để cùng hoạt động, chọn nơi để ngồi, chọn các nguyên liệu cần dùng, thời gian nhắc lại với cô giáo và bạn bè những điều vừa học hay vừa làm được và thời gian thu dọn học cụ, lưu giữ những sản phẩm mà trẻ đã hoàn thành và chưa hoàn thành. Các trải nghiệm trong các hoạt động tự chọn theo nhóm mang lại rất nhiều lợi ích cho trẻ, giúp trẻ trưởng thành hơn từ những sở thích của bản thân, học được các kỹ năng giao tiếp xã hội như biết cách trình bày ý tưởng của mình, biết giải quyết vấn đề khi có mâu thuẫn nảy sinh, biết lắng nghe để hiểu quan điểm của người khác.

Hoạt động theo nhóm lớn: Làm việc theo một nhóm lớn tạo cảm giác cộng đồng cho trẻ. Trẻ và giáo viên cùng di chuyển, cùng tham gia các hoạt động Âm nhạc, Văn học, Nghệ thuật, Toán, Khám phá môi trường…và chia sẻ về các trải nghiệm của bản thân.

Thời gian vui chơi ngoài trời: Theo chương trình Highscope, hàng ngày trẻ nên được dành 30 phút để chơi ngoài trời, tham gia các hoạt động sôi nổi, vui vẻ ngoài sân chơi và tận hưởng không khí trong lành. Ngoài bốn bức tường của lớp học, trẻ được thoải mái, tự do chơi, chuyển động và hò hét. Trẻ được chạy, trèo, lăn, nhảy và thỏa sức hò hét. Trẻ khám phá thiên nhiên cây cỏ, chim muông và những sinh vật trong vườn khác.

Môi trường học tập trong một lớp học

Lớp học theo chương trình Highsope có những đặc trưng sau:

– Luôn chào đón trẻ.

– Khuyến khích trẻ chủ động học tập.

– Cung cấp đủ học cụ (đồ dùng, đồ chơi, nguyên vật liệu…) cho trẻ hoạt động.

– Cho phép trẻ tự tìm kiếm, sử dụng và trả lại các học cụ một cách chủ động, độc lập và đúng chỗ.

– Khuyến khích nhiều cách học và cách chơi khác nhau.

– Cho phép trẻ di chuyển dễ dàng trong mọi khoảng không của lớp học.

– Rất linh hoạt để trẻ có thể mở rộng việc học và chơi của bản thân bằng cách mang các học cụ từ góc chơi này sang góc chơi khác.

– Luôn thay đổi để tạo ra cái mới, nhằm gây hứng thú, khuyến khích trẻ tò mò, khám phá.

CÁC Ý TƯỞNG GIÁO DỤC KHÁC

Tại Koala House, ngoài việc áp dụng triết lý giáo dục Highscope xuyên suốt chương trình học, chúng tôi còn tích hợp một số điểm mạnh của các triết lý giáo dục khác như nội dung Hoạt động đời sống thực tiễn của Montessori cho lứa tuổi Sunshine (18 tháng đến 3 tuổi) và Behive (3-4 tuổi)  và quan điểm học thông qua Project  – Chuyên đề nghiên cứu sâu của Roggie Emilia cho lứa tuổi Chrysalis (4-5 tuổi) và Kinder (5-6 tuổi)

MONTESSORI

Theo triết lý giáo dục của Maria Montessori, trong quá trình phát triển, trẻ sẽ trải qua một giai đoạn mà trẻ rất nhiệt tình học hỏi cách làm tất cả các công việc mà chúng nhìn thấy người lớn đang làm, đặc biệt là những công việc trong gia đình. Nếu các hoạt động đời sống thực tiễn được giới thiệu cho trẻ vào đúng thời điểm, trẻ sẽ biết cách thực hiện tốt những công việc đó trong môi trường gia đình. Trẻ sẽ thích được làm việc, trẻ cũng sẽ muốn giữ gìn môi trường thật gọn gẽ ngăn nắp cho tất cả những thành viên đang sử dụng nó.

Các hoạt động đời sống thực tiễn giúp trẻ hiểu về môi trường xung quanh và các hoạt động của nó. Điều này sẽ giúp trẻ xây dựng được sự tự tin, khiến trẻ cảm thấy mình có giá trị. Thêm vào đó, các hoạt động đời sống thực tiễn cũng giúp trẻ phát triển kỹ năng sử dụng đôi bàn tay khéo léo của mình.

Bốn nhóm các hoạt động đời sống thực tiễn:

1. Vận động (rót nước, ấn ép, vắt, lựa chọn, hoạt động nghệ thuật, rèn luyện cơ thể…). Tất cả các bài tập đều hấp dẫn đối với trẻ vì nó liên quan tới vận động.

2. Chăm sóc bản thân (mặc quần áo, cởi quần áo, tắm, chải đầu…). Trước khi trẻ có thể khám phá môi trường xung quanh, chúng cần học cách chăm sóc bản thân mình. Người lớn cần tạo điều kiện để giúp trẻ làm được những việc này.

3. Chăm sóc môi trường (lau chùi, rửa, làm vườn…). Tất cả các hoạt động này giúp trẻ học được cách chú ý tới môi trường xung quanh và sẽ hiểu rằng trẻ chỉ là một phần của môi trường sống, do đó chúng cần phải tôn trọng và chăm sóc môi trường sống của mình.

4. Phát triển các kỹ năng xã hội (chào hỏi, mời, chấp nhận, xin lỗi, cảm ơn).

Thông qua các hoạt động đời sống thực tiễn, giáo viên giúp trẻ tự hoàn thiện mình. Một số hoạt động giúp trẻ hình thành các kỹ năng viết, đọc, biết giữ gìn vệ sinh cá nhân. Một số hoạt động khác giúp trẻ xử lý các nhu cầu xã hội của trẻ như giúp trẻ giao tiếp với những bạn khác và đóng góp vào những công việc chung. Thông qua các hoạt động đời sống thực tiễn, trẻ sẽ biết nghe lời đồng thời cảm nhận đươc tự do cá nhân và biết tôn trọng môi trường sống cùng những người  xung quanh.

Mặc dù Koala House không phải là một trường học Montessori, chúng tôi áp dụng một số ý tưởng của Montessori vào các lứa tuổi Nắng Mai- Sunshine (18 tháng – 3 tuổi) và lớp Tổ Ong – Beehive (3-4 tuổi). Ngoài ra, quan điểm “giúp con tự làm”  của Montessori cũng được áp dụng cho các nhóm tuổi lớn hơn bằng cách khuyến khích trẻ tự làm các việc như tự lấy thức ăn cho bữa ăn nhẹ, lau bàn, tưới hoa, tự chăm sóc vệ sinh cá nhân.

REGGIO EMILIA

Triết lý giáo dục Reggio Emilia được nhà tâm lý học người Italia, Loris Malaguzzi phát triển từ những năm 40 sau khi chiến tranh thế giới lần thứ 2 vừa kết thúc. Reggio Emilia là tên ngôi trường nơi triết lý giáo dục này được xây dựng và áp dụng đầu tiên. Mặc dù có bị ảnh hưởng nhiều từ trường phái Montessori – một trường phái giáo dục cũng khởi nguồn từ Italia, nhưng khác với triết lý Motessori, cách tiếp cận của Reggio dựa trên một chương trình học mở – sẵn sàng tiếp nhận sự linh hoạt và sáng tạo trong giảng dạy.

Triết lý Reggio Emilia bắt nguồn từ niềm tin cho rằng trong mỗi trẻ đều chứa đựng một tiềm năng lớn và tiềm năng đó sẽ được phát triển nhờ chính trí tò mò vốn có của trẻ. Trẻ cố gắng tìm hiểu thế giới xung quanh và tự đưa ra cách riêng của mình để giải thích sự vận động của thế giới xung quanh trẻ. Theo Reggio Emilia, mỗi cá nhân chúng ta đều xây dựng kiến thức của mình từ những kinh nghiệm thực tế, thông qua những tương tác của mỗi người với môi trường và xã hội. Trẻ em cũng vậy, trẻ cần được nhà trường và gia đình trao cho những cơ hội để xây dựng kho kiến thức của mình dựa trên trí tò mò tự nhiên của trẻ. Trường học theo trường phái Reggio sẽ đem đến cho trẻ những cơ hội tìm hiểu, khám phá, mở rộng kiến thức thông qua cách tiếp cận về chuyên đề (Project Approach) mà trẻ thực hiện tại nhà trường.

VAI TRÒ CỦA NGƯỜI GIÁO VIÊN

Theo trường phái Reggio Emilia, người giáo viên trước hết là người bạn cùng học tập với trẻ. Giáo viên sẽ hỗ trợ trẻ thu thập thông tin, cùng trẻ tìm hiểu, học hỏi về một chủ đề và sẽ là nhân tố quan trọng đóng góp vào quá trình phát triển khả năng tư duy của trẻ. Thông qua vai trò người giáo viên – nhà nghiên cứu, giáo viên sẽ quan sát, lắng nghe, tập hợp lại những sản phẩm của trẻ và giúp trẻ đặt ra những câu hỏi sâu về chủ đề, khuyến khích trẻ mở rộng tư duy và khuyến khích sự hợp tác của trẻ với những trẻ khác.

Thay vì có một chương trình học đã thiết kế chi tiết sẵn, trường phái Reggio Emilia khuyến khích giáo viên soạn chương trình dựa trên các mối quan tâm của trẻ. Giáo viên được đào tạo để nhận ra các sở thích, các mối quan tâm và xây dựng các dự án chuyên đề để khơi dậy tính tò mò của trẻ.

Tại Koala House, chúng tôi áp dụng cách tiếp cận của Reggio Emilia cho các lớp mẫu giáo lớn Chrysalis và Kinder thông qua việc tiến hành các đề án tìm hiểu sâu về một chủ đề mà chúng tôi gọi là “Nghiên cứu chuyên đề”. Một chuyên đề theo định nghĩa là việc nghiên cứu sâu về một chủ đề nào đó và nó được một nhóm trẻ trực tiếp tiến hành. Việc nghiên cứu Chuyên đề sẽ không thay thế cho cả chương trình học nhưng nó sẽ làm phong phú thêm chương trình học của Koala House và giúp chúng tôi đạt được một số mục tiêu về sự phát triển của trẻ.

Trong thời gian làm chuyên đề, trẻ sẽ chỉ tập trung tìm hiểu xung quanh một chủ đề đã chọn. Chủ đề được lựa chọn dựa trên sự quan tâm của trẻ và dựa trên ý nghĩa của chủ đề đó đối với cuộc sống của trẻ. Trẻ sẽ tìm hiểu sâu về những kiến thức xung quanh chủ đề đó, những kiến thức khá sâu mà đôi khi người lớn cũng phải ngạc nhiên, không nghĩ là trẻ ở lứa tuổi nhỏ lại hiểu biết được đến như vậy. Người giáo viên sẽ tổng hợp các kiến thức như toán, thông tin và khoa học xung quanh các chuyên đề này dựa trên những câu hỏi mà trẻ đặt ra.

Phần lớn các kế hoạch chuyên đề sẽ do trẻ tự xây dựng với sự giúp đỡ của giáo viên. Khi bắt đầu một chuyên đề, trẻ được khuyến khích đặt các câu hỏi về tất cả những gì chúng muốn tìm hiểu về chuyên đề đó. Khi các câu hỏi đã được nêu ra và ghi lại, trẻ sẽ sử dụng nhiều nguồn tài liệu phong phú để đi tìm câu trả lời. Với sự giúp đỡ của giáo viên, trẻ sẽ cùng nhau lên kế hoạch về các hoạt động giúp chúng tìm hiểu những gì chúng muốn biết về chuyên đề. Trẻ cùng nhau tìm cách giải quyết các vấn đề với sự giúp đỡ của các giáo viên trong vai trò tìm nguồn tài liệu và cùng hỗ trợ trẻ đi tìm câu trả lời. Các nguồn tài liệu này bao gồm kiến thức từ sách vở, các thông tin thu thập từ các chuyến thăm thực địa, các cuộc phỏng vấn với “chuyên gia” (chuyên gia là bất cứ ai hiểu biết về lĩnh vực nào đó thuộc chuyên đề). Trẻ sẽ chuẩn bị các câu hỏi để phỏng vấn các chuyên gia. Khi có thêm kiến thức, trẻ sẽ ghi lại các kiến thức mới tìm hiểu được bằng tranh vẽ hoặc bằng cách ghi chép lại, bằng những poster, bằng các đồ thị, tác phẩm nghệ thuật, bích báo tự làm…

Người giáo viên thu thập các tác phẩm của trẻ, quan sát, phân tích chúng và xây dựng những tư liệu về chuyên đề. Khi chuyên đề kết thúc, cả lớp sẽ trưng bày tất cả những thành quả mà trẻ đạt được.

Tại Koala House, chuyên đề là một trong nhiều phương pháp giúp trẻ học tập hiệu quả. Phương pháp chuyên đề phối hợp nhiều kiến thức và kỹ năng mà trẻ đã học được thông qua những phương pháp giáo dục khác. Phương pháp “nghiên cứu” chuyên đề cung cấp cho trẻ những cơ hội để trẻ ứng dụng những gì đã học được để giải quyết các thách thức nảy sinh và chia sẻ những gì chúng tìm hiểu được. Chuyên đề sẽ giúp trẻ phát triển các kỹ năng nhóm như phối hợp làm việc với các bạn khác, đặt ra những vấn đề rồi cùng nhau suy nghĩ – đó là những kỹ năng sẽ giúp trẻ phát triển bộ não của chúng.

Thông qua các chuyên đề được lựa chọn từ sự quan tâm và hứng thú của trẻ, giáo viên sẽ hướng dẫn trẻ tìm hiểu sâu về thế giới thực tế. Nếu người giáo viên biết cách thực hiện thành công các chuyên đề, trẻ sẽ cảm thấy rất hứng thú và nhiệt tình tham gia vào quá trình học hỏi của chúng và điều đó sẽ khiến trẻ thực hiện được hiệu quả các công việc với chất lượng cao, và trẻ sẽ phát triển và trưởng thành từ góc độ cá nhân cũng như với tư cách thành viên của nhóm.